Theo Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bổ sung cao tốc Phú Yên – Tây Nguyên vào quy hoạch
Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương để định hướng phát triển, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông giữa tỉnh Phú Yên với khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên. Trước công văn đề xuất của UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải đã cập nhật tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên (bao gồm 220km tuyến cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk) vào quy hoạch này.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường bộ cao tốc nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên được Bộ Giao thông Vận tải xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.
Cụ thể, tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên kéo dài 220 km sẽ kết nối cảng biển loại II – cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp, đầu mối địa phương), cảng Hàng không Tuy Hòa với cảng Hàng không Buôn Ma thuột và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (Việt Nam – Campuchia). Đây là tuyến giao thông quan trọng đi qua vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ Việt Nam.
Tuyến đường cũng đồng thời kết nối với các tuyến quốc lộ chính yếu và đường quốc lộ có tính chất liên vùng trong khu vực: Tuyến đường ven biển, Quốc lộ 29, Quốc lộ 1, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh.
Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã đề xuất thực hiện tuyến đường này trong giai đoạn 2026 – 2030. Cụ thể, đoạn từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên đến thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk (giao với đường Hồ Chí Minh) chiều dài 100 km sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe vào năm 2030; đoạn Buôn Ma Thuột (giao với đường Hồ Chí Minh) – cửa khẩu Đăk Ruê dài 80 km sẽ xây dựng theo quy mô 2 làn xe vào năm 2030.
Kết nối đồng bộ, Nam Phú Yên chuẩn bị cất cánh
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hoà đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 2/2/2012), trong đó xác định rõ đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đưa tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 137km vào quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010 và số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016). Theo đó, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên dự kiến cũng sẽ sớm triển khai, góp phần nối liền hai khu vực Quy Nhơn và Tuy Hòa.
Các dự án giao thông đang được đề xuất triển khai tại Nam Phú Yên góp phần biến nơi đây trở thành cửa ngõ giao thông quan trọng trong khu vực
Đặc biệt, sắp tới đây Tuy Hòa dự kiến sẽ cho xây dựng thêm cầu kết nối hai đầu Nam Bắc của thành phố, đoạn từ phía Bắc đường Phan Chu Trinh đến phía Nam đường Nguyễn Trãi. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong ba cây cầu lớn, cùng Nguyễn Tất Thành và Hùng Vương, tạo thế chân kiềng vững chắc kết nối giao thương hai đầu thành phố. Khi dòng hàng hóa và du khách qua lại tấp nập nội khu thành phố, cũng là lúc Nam Phú Yên có thêm sức bật, phát triển đột phá.
Sở hữu hai đầu mối giao thông quan trọng là cảng hàng không Tuy Hòa và cảng biển Vũng Rô, thêm vào đó loạt tuyến đường dự kiến triển khai như cao tốc Phú Yên – Tây Nguyên, cao tốc Quy Nhơn – Tuy Hòa, cầu Phan Chu Trinh,… Nam Phú Yên sẽ sớm trở thành nút giao trọng yếu của khu vực. Khi đó, nơi đây sẽ đón lượng lớn dòng luân chuyển hàng hóa, khách du lịch đổ về và nhanh chóng “hóa rồng” trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo CafeF